lily-blog logo

HaThao's blog

Shopify và E-commerce.

Certificates

Liquid certificate

Khi nào nên thay đổi Shopify Theme (giao diện cửa hàng)? Tips chọn Theme mới

August 25, 2024 · by Thao HP · 13 min read

Các nhà bán hàng thường đôi lúc phân vân về việc quyết định khi nào hoặc làm thế nào để thay đổi giao diện chủ đề Shopify (Shopify Theme). Đối với những người kinh doanh thương mại điện tử, giao diện cửa hàng Shopify chính là công cụ quan trọng giúp bạn nâng tầm doanh nghiệp, thu hút khách hàng, do vậy, việc lựa chọn giao diện theme đúng và phù hợp có thể giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức trong công việc hàng ngày trên store.

Khi mới bắt đầu với Shopify, nhiều chủ cửa hàng thường chọn một Theme cơ bản và miễn phí như Dawn Theme, Sense Theme, Fresh Theme,..vì đơn giản, dễ sử dụng, tiết kiệm chi phí, phù hợp với budget khởi nghiệp. Nếu bạn là một trong số những người sử dụng các theme miễn phí này, thì bao lâu rồi bạn chưa xem xét lại theme của mình (kiểm tra độ phù hợp với chiến lược kinh doanh) để đảm bảo nó vẫn hoạt động hiệu quả?

Bài viết này sẽ cung cấp hướng dẫn chi tiết với các mẹo hữu ích để bạn biết khi nào nên thay đổi Theme Shopify, cách đánh giá giao diện hiện tại, cách chọn giao diện phù hợp và những điều cần lưu ý trước khi thực hiện thay đổi.

Hiện tại Shopify nâng cấp theme với tiêu chuẩn giao diện mới cho Online store 2.0 (Cửa hàng trực tuyến 2.0). Tiêu chuẩn mới này mang lại sự linh hoạt cao hơn khi chỉnh sửa giao diện mà không cần can thiệp vào code. Nhiều công ty đã nâng cấp theme của họ lên theo tiêu chuẩn mới này. 

Bao lâu thì bạn nên thay đổi giao diện (theme) Shopify của mình? 

Công nghệ phát triển rất nhanh, và Shopify cũng không ngoại lệ. Kho Theme của Shopify thường xuyên ra mắt các theme mới để thích ứng với các thay đổi của nền tảng cũng như xu hướng thiết kế và thương mại điện tử. Theo quan điểm và kinh nghiệm của tôi, bạn nên đánh giá Shopify Theme của mình khoảng mỗi 3 năm một lần. Đây là khoảng thời gian hợp lý khi công nghệ đã có những thay đổi đủ lớn để có những tính năng mới giúp ích cho doanh nghiệp của bạn. Nhưng cũng không quá thường xuyên để gây cản trở hoạt động kinh doanh của bạn.

Shopify Theme là một công cụ hỗ trợ bạn đạt được mục tiêu kinh doanh, vì vậy bạn cần xem xét liệu nó có còn phù hợp với mục tiêu hiện tại và tương lai hay không. Nếu bạn chờ đến 4 năm hoặc lâu hơn để đánh giá Shopify Theme của mình thì các phần code cần cập nhật có thể rất rất nhiều khiến dự án này trở thành quy mô lớn và tốn kém chi phí.    

Dưới đây là một số tips giúp bạn quyết định liệu có cần thay đổi giao diện Shopify hay không? 

Hãy cân nhắc về những thay đổi hàng ngày bạn thực hiện trên Shopify Theme với các câu hỏi như: những trang hoặc yếu tố nào bạn thường xuyên chỉnh sửa nhất? Quá trình chỉnh sửa  đó có mượt mà hay gây phiền phức? Bạn có thể kiểm soát mọi thứ như mong muốn không? Hãy ghi lại các tác vụ chỉnh sửa giao diện mà bạn thường thực hiện và chú ý đến những điều dễ dàng và những điều gây khó khăn mỗi lần thực hiện. Cũng hãy nghĩ đến những điều mà bạn muốn có thêm cho cửa hàng của mình dựa vào 1 số cửa hàng của đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ giúp bạn hiểu rõ loại thuộc tính môi trường nào phù hợp nhất và những tính năng nào sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh hàng ngày của bạn nhiều nhất. 

Xem xét các Apps bạn sử dụng để chỉnh sửa Shopify Theme 

Nhiều trường hợp người bán hàng tải một số Apps để bổ sung tính năng đơn giản mà theme đang thiếu, hoặc sử dụng App builder như Pagefly, Gempage để customize (tùy chỉnh) trang chủ theo ý họ, do vậy, khi xem xét các App cũng cần cân nhắc đánh giá các App tải xuống vì lý do thiếu sót tính năng trong theme thay vì mục đích để nâng cấp cửa hàng.  

Nếu bạn đang gặp khó khăn với tốc độ load (loading speed) của cửa hàng và sử dụng nhiều Apps để hỗ trợ giao diện cửa hàng, thì bạn có thể chuyển sang một theme mới có tích hợp sẵn nhiều tính năng ứng dụng. Việc loại bỏ một số Apps cũng sẽ giúp tăng tốc độ cho cửa hàng của bạn và giảm thiểu khả năng xảy ra lỗi tích hợp giữa các ứng dụng.
Bạn có thể kiểm tra tốc độ load trang bằng công cụ của Google, xem thêm tại đây.

Xem xét các phần custom code có trong Shopify Theme của bạn

Có bất kỳ phần code đã được tùy chỉnh, thay đổi phục vụ cho chức năng mới nào đó trên Theme bạn đang dùng mà bạn mong muốn chúng được tích hợp sẵn trên theme mới không? Bạn có muốn  thêm chức năng mua nhanh (quick buy) hoặc color swatch không? Thông thường, tự chỉnh sửa các “custom code” không dễ dàng (đặc biệt với người không hiểu rõ về code/ lập trình), do vậy, bạn cần phải thuê developer (lập trình viên) để thay đổi giúp bạn. Nhưng nếu bạn chọn một theme tích hợp sẵn các chức năng đó, bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức với việc tự chỉnh sửa các cài đặt (settings) trực tiếp trong theme editor (giao diện chỉnh sửa theme trong admin).

Cân nhắc mục tiêu kinh doanh trong tương lai của bạn 

Dù Theme hiện tại của bạn đang hoạt động rất ổn nhưng thi thoảng bạn nên tự đánh giá xem nó còn phù hợp với mục tiêu kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp không, có thể tham khảo một số câu hỏi sau: 

  • Bạn đang bán hàng nội địa nhưng tương lai sẽ mở rộng thị trường global/ bán hàng quốc tế hoặc mở rộng thêm một vài thị trường chứ?
  • Sản phẩm của bạn ngày càng đa dạng và bạn muốn thể hiện được nét đặc trưng của sản phẩm trên trang web của mình? 
  • Bạn có quan tâm đến việc thêm nhiều ngôn ngữ vào trang web của mình không? 
  • Bạn có dự định mở rộng sang bán hàng offline không?

Đây là một số dấu hiệu cho thấy tới lúc bạn cần thay đổi Theme

  • Theme không thể hỗ trợ cùng phát triển với các mục tiêu kinh doanh của bạn trong tương lai
  • Những tác vụ chỉnh sửa thông thường của Theme  trở nên rắc rối
  • Bạn có nhiều thay đổi tùy chỉnh và các apps để bổ sung cho các chức năng cốt lõi trên Theme của mình.

Lựa chọn một Shopify Theme mới

Sau khi phân tích tổng thể về Theme đang dùng, nhận thấy nó không còn phù hợp với định hướng kinh doanh tương lai, bạn đi đến quyết định chọn một Theme mới. Nhưng kho Shopify Theme có tới hơn 100 chủ đề thì bạn làm thế nào để đánh giá khách quan các Theme xem có phù hợp với yêu cầu của mình không?

Như thế nào là một Theme tốt?

Việc xác định điều gì khiến một Theme nổi bật hơn những cái khác có thể khó khăn vì đa số chúng đều trông rất bắt mắt. Tuy nhiên, không phải Theme nào cũng được tạo ra như nhau. Các Theme miễn phí cung cấp những yếu tố cơ bản để bạn thiết lập cửa hàng, nhưng sau này bạn có thể phải tốn thêm thời gian và tiền bạc để thuê người chỉnh sửa bằng việc code. Ngược lại, các Theme trả phí thường có giá từ $200-400 ban đầu, nhưng nó cung cấp nhiều tiện ích, nhiều tính năng tích hợp sẵn hơn và giảm thiểu khả năng phải cải thiện custom code cho các chức năng cốt lõi.

Mặc dù dễ dàng bị cuốn hút bởi vẻ ngoài, nhưng điều quan trọng là bạn cũng nên cân nhắc đến tính năng và khả năng chỉnh sửa của Theme.

Dưới đây là 4 tips để cân nhắc khi chọn một Shopify Theme mới

Nhắm mục tiêu các Shopify Theme có nhiều tính năng tích hợp nhất có thể

Xem lại tất cả các apps và các custom code (tùy chỉnh bằng code) ở các phần trước mà bạn đã cài đặt để biết chức năng cốt lõi của Theme. Theme mà bạn đang xem có tích hợp sẵn một số hoặc tất cả những tính năng này không? Bạn muốn chọn một Theme có nhiều tính năng tích hợp phù hợp với yêu cầu để có thể dễ dàng chỉnh sửa cài đặt và giúp cửa hàng của bạn hoạt động nhanh chóng. Mỗi khi bạn thêm một app hoặc custom code, cửa hàng của bạn sẽ bị load chậm một chút. Ngoài ra, nếu bạn có thể tìm thấy một Theme có nhiều tính năng được tích hợp sẵn, nó sẽ giảm bớt các việc chỉnh sửa cần thiết vào lần thay đổi chủ đề kế tiếp vì bạn sẽ không phải chuyển custom code từ chủ đề này sang chủ đề khác theo cách thủ công.

Chọn Theme mà đáp ứng mục tiêu kinh doanh ở hiện tại và tương lai của bạn

Tham khảo danh sách theme được sắp xếp theo hạng mục, có thể bạn sẽ tìm thấy một Theme phù hợp với mục tiêu kinh doanh của mình tại đây.

Xem các Theme đặc thù tới ngành hàng của bạn

Bạn có thể đã chọn một chủ đề cơ bản như Dawn Theme khi mới bắt đầu nhưng có nhiều chủ đề được thiết kế riêng cho các ngành như nghệ thuật, thực phẩm, quần áo, điện tử, sức khỏe và thể dục. Kho Shopify Theme sắp xếp các chủ đề theo nhu cầu cụ và theo ngành. Một Theme dành riêng cho ngành hàng đặc trưng có thể giúp bạn điều chỉnh trải nghiệm thương mại điện tử của mình một cách chính xác theo nhu cầu của khách hàng. Ví dụ: nếu bạn bán hàng thực phẩm, nhiều Theme dành riêng cho thực phẩm sẽ tập trung vào cách kể chuyện bằng hình ảnh, upsell và tính đến việc bạn cũng có thể có một cửa hàng offline.

Qua việc khám phá chức năng của các Themes, bạn có thể tìm thấy một số ý tưởng mới về bố cục sản phẩm hoặc các tính năng tối ưu sự chuyển đổi. Nhiều Theme có phần giới thiệu các thương hiệu đã tin dùng và cá nhân hóa Theme của họ, đây cũng là cơ hội tốt để thấy tiềm năng của Theme đó và thực hiện một số phân tích về ngành hàng.

Chọn Theme tương tự với thương hiệu của bạn

Bạn có thể thay đổi các yếu tố thiết kế cơ bản của một giao diện, nhưng mục tiêu chính của giao diện là cung cấp một mẫu có sẵn tương đồng với thương hiệu của bạn. 

Lý tưởng nhất là bạn nên chọn một Theme đáp ứng được cả 4 tips nêu trên. Ví dụ: Nếu bạn tìm kiếm: Theme có thiết kế tối giản, linh hoạt trong việc tùy chỉnh trang chủ và được xây dựng cho người bán hàng xuyên biên giới trong lĩnh vực sức khỏe, sắc đẹp, bạn sẽ có thể thu hẹp phạm vi tìm kiếm của mình rất nhiều. Kết quả sẽ chỉ ra cho bạn một danh sách Theme đáp ứng chính xác nhu cầu của bạn và tránh sự mệt mỏi khi phải đưa ra quyết định giữa nhiều Theme có vẻ giống nhau.

Một vài lưu ý trước khi bắt đầu đổi Shopify Theme

  1. Trước khi bạn bắt đầu, hãy tìm tất cả các thay đổi trong các phần custom code (tùy chỉnh bằng code) trong Theme đang dùng/ Theme cũ. Ghi lại những files và nơi lưu trữ/ chứa chúng, cùng với ý nghĩa hoặc chức năng files. Bạn sẽ cần chuyển chúng theo cách thủ công sang Theme mới để chúng hiển thị lại.
  2. Bạn không cần phải lo lắng về dữ liệu về chủ đề – chẳng hạn như sản phẩm, bộ sưu tập và bài đăng trên blog. Chúng được lưu trữ trên phần phụ trợ Shopify (Shopify Backend) của bạn trong phần Sản phẩm và Blog tương ứng. Theme của bạn được sử dụng để hiển thị thông tin này trên giao diện người dùng một cách có thẩm mỹ và việc chuyển đổi Theme sẽ không ảnh hưởng đến thông tin đó.
  3. Bạn sẽ cần chuyển thủ công các settings  thiết kế giữa các giao diện, bao gồm màu sắc, phông chữ và bất kỳ cài đặt phần tử nào như căn chỉnh. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để xem xét lại các yếu tố thiết kế cụ thể. Ví dụ, có thể bạn muốn hiển thị sản phẩm của mình theo cách khác một chút trên trang bộ sưu tập. Hoặc có thể bạn muốn sử dụng menu thả xuống (dropdown menu) trên trang sản phẩm thay vì các đoạn văn (paragraph) khi cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm. Nếu Theme mới của bạn có các yếu tố mới được tích hợp sẵn, hãy  khám phá các chức năng và khả năng để cải thiện cách hiển thị thông tin trong cửa hàng của bạn.
  4. Nhiều Theme  trả phí có thời gian dùng thử không giới hạn để người dùng test Theme. Bạn sẽ chỉ phải trả tiền khi bạn muốn publish Theme này để bán hàng. Hãy tận dụng cơ hội dùng thử này để xem độ phù hợp của Theme với các mục tiêu kinh doanh dài hạn.
  5. Nhiều Theme mới tương thích với Cửa hàng trực tuyến 2.0 (online store 2.0) với nhiều tiện ích cho người bán hàng, đây là thời điểm tuyệt vời để chuyển đổi. 

Đọc tới đây rồi, bạn đã sẵn sàng để thay đổi Theme? 

Với những tips nêu trên, tôi hy vọng bạn có thể hiểu được phần nào về thời điểm cần thay đổi Shopify Theme và cách đánh giá Theme đúng cách.

Nếu bạn cần trợ giúp thay đổi Theme sau khi lựa chọn được Theme phù hợp, liên hệ với tôi nhé.


Tags: